Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

Lá Cờ Chính Nghĩa * - Trần Gia Phụng



Lời người viết: Sau khi bài “Mặt trời không bao giờ lặn bên trên lá Cờ vàng ba sọc đỏ” được đăng trên báo và đưa lên web, có một độc giả tự xưng là du học sinh Việt Nam gởi e-mail cho người viết và đưa ra hai câu hỏi:
     1) Tại sao người viết nói rằng lá Cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện năm 1948 chứ không phải 1954 khi đất nước bị chia hai?
     2)...Nếu người viết bảo rằng lá Cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ chính nghĩa thì người viết giải thích như thế nào về biến cố 1975? Xin cảm ơn anh du học sinh đã đặt câu hỏi. Sau đây là bài trả lời câu hỏi thứ nhất. Tôi sẽ trả lời câu hỏi thứ hai trong số báo sau.
<!--m-->
1.- HOÀN CẢNH LỊCH SỬ
     Năm 1945, sau thế chiến thứ hai, Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh (VM), một tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Đông Dương (CSĐD), nhanh tay chiếm được chính quyền. Vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) quyết định thoái vị và trao quyền lại cho mặt trận VM. Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và ra mắt chính phủ lâm thời, chọn cờ của mặt trận VM là Cờ đỏ sao vàng làm quốc kỳ.
     Không đầy mười ngày sau, trung ương đảng CSĐD họp tại Hà Nội ngày 11-9-1945 đưa ra chủ trương VM độc quyền cai trị đất nước. (Philippe Devillers, Histoire du Viet-Nam de 1940 à 1952, Paris: Éditions du Seuil, 1952, tr. 143.) [Về sau, đảng Cộng Sản Việt Nam tiếp tục việc nầy qua điều 4 hiến pháp năm 1992.]
     Để bảo đảm độc tôn quyền lực, về đối nội, VM thực hiện kế hoạch mà VM gọi là “giết tiềm lực” hay “tiêu diệt tiềm lực”, tức là tiêu diệt tất cả các đảng phái và tất cả các thành phần theo chủ nghĩa dân tộc, tất cả những người có khả năng nhưng không cộng tác với VM, có thể nguy hiểm cho VM hay trở thành đối thủ của VM trong tương lai.
     Về đối ngoại, VM nhượng bộ các lực lượng nước ngoài để rảnh tay đối  phó với các lực lượng  đối kháng trong nước, nhằm
duy trì việc độc quyền chính trị. Khi Pháp gởi lực lượng, theo
quân Anh tái chiếm miền Nam, rồi tiến ra Bắc nhằm thay thế quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng, VM liên tục nhượng bộ. Thấy VM yếu kém, ngày 18-12-1946, Pháp buộc VM phải giao quyền kiểm soát an ninh Hà Nội cho Pháp. Hồ Chí Minh họp trung ương đảng CSĐD tại Vạn Phúc (Hà Nội) trong hai ngày 18 và 19-12-1946, quyết định bất ngờ tấn công Pháp tối 19-12-1946. (Một nhóm tác giả, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Quân Đội Nhân Dân, 2004, tt. 503-504.) Không thể để Pháp bắt và cũng không thể bỏ trốn nhục nhã, quyết định của hội nghị Vạn Phúc nhằm tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo VM và đảng CSĐD thoát thân ra khỏi Hà Nội một cách chính thức. Thế là chiến tranh không tuyên chiến xảy ra.
     Trong khi chiến tranh tiếp diễn, VM tiếp tục chủ trương “giết tiềm lực”. Trong các năm 1945, 1946, 1947 trên toàn quốc, VM giết khoảng 100,000 người ở tất cả các cấp từ trung ương xuống tới địa phương làng xã. Đứng đầu danh sách nầy là những nhân vật như Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Huỳnh Phú Sổ, Trương Tử Anh …
     Vì bản năng sinh tồn, những người theo chủ nghĩa dân tộc không cộng sản phải trốn tránh, bỏ ra nước ngoài, hoặc phải đến sinh sống tại vùng do Pháp tái chiếm khi Pháp trở lại Đông Dương, hay chẳng đặng đừng cộng tác với Pháp để thành lập tổ chức hành chánh địa phương tạm thời do Pháp bảo trợ, chống lại Việt Minh.
     Ở Nam Kỳ, chính phủ Cộng hòa Lâm thời Nam Kỳ được thành lập tháng 6-1946, đổi thành chính phủ Nam Kỳ tự trị tháng 2-1947. Cũng trong tháng 2-1947, Pháp thành lập Hội đồng chấp chánh lâm thời Trung Kỳ tại Huế. Ra tới Hà Nội, Pháp thành lập Uỷ ban Lâm thời Hành chánh và Xã hội, còn được gọi là Hội đồng An dân tháng 5-1947. Tháng 10-1947, ông Nguyễn Văn Xuân, thiếu tướng trong quân đội Pháp, đã từng được Hồ Chí Minh cử làm quốc vụ khanh trong chính phủ VNDCCH ngày 2-9-1945, đứng ra thành lập chính phủ lâm thời Nam Kỳ.
     Việt Minh kết án chung tất cả các tổ chức nầy là Việt gian, tay sai thực dân Pháp. Tuy nhiên nếu những người nầy không hợp tác với Pháp để chống VM cộng sản, bảo toàn sinh mạng của chính họ, thì không lẽ họ ngồi yên để chờ đợi VM tới bắt giết, như đã từng bắt giết Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi? Nếu Nguyễn Văn Xuân, một tướng lãnh trong quân đội Pháp, là tay sai của thực dân Pháp,  thì tại sao Hồ Chí Minh  lại cử làm quốc
vụ khanh trong chính phủ của Hồ Chí Minh?
2.- CỜ VÀNG BA SỌC ĐỎ XUẤT HIỆN
     Trong khi đó, trong một chuyến công du cho chính phủ VM qua Trung Hoa tháng 3-1946, theo lời cựu hoàng Bảo Đại, cố vấn chính phủ VM, ông bị phái đoàn VM bỏ rơi ở lại Côn Minh (Kunming) tháng 4-1946. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tr. 242.) Cựu hoàng tự ý thức rằng VM bỏ rơi ông có nghĩa là VM không còn cần đến ông nữa, nên cựu hoàng bắt đầu tách ra khỏi chính phủ VM, qua trú ngụ ở Hồng Kông. Các lãnh tụ trong các tổ chức hay đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc dần dần tập họp chung quanh cựu hoàng Bảo Đại, yêu cầu cựu hoàng ra cầm quyền trở lại, nhằm tranh đấu giành độc lập và thống nhất đất nước.
     Về phía Pháp, sau một thời gian thương thuyết với VM nhưng thất bại, Pháp thay đổi chính sách từ tháng 9-1947, quay qua thương thuyết với cựu hoàng Bảo Đại để tìm một giải pháp mới. Cao uỷ Pháp tại Đông Dương là Émile Bollaert gặp cựu hoàng Bảo Đại trên một chiếc tàu thả neo ở vịnh Hạ Long ngày 6-12-1947. Hai bên đồng ký bản thông cáo chung theo đó Pháp hứa trao trả độc lập cho Việt Nam và ngược lại Việt Nam hứa sẽ cộng tác và ưu tiên sử dụng chuyên viên Pháp trong công cuộc kiến thiết đất nước.
     Sau cuộc nói chuyện sơ khởi trên đây, Bảo Đại qua Pháp tiếp tục vận động. Để tạo cơ chế hành chánh chung có thể nói chuyện với Pháp, khi trở về lại Hồng Kông, cựu hoàng uỷ cho Nguyễn Văn Xuân lập chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam. Nguyễn Văn Xuân được Hội nghị các giới cầm quyền do Pháp bảo trợ và đại diện các đoàn thể, các đảng phái tại ba miền Bắc Trung, Nam Việt Nam, họp tại Sài Gòn ngày 20-5-1948, đồng ý ủng hộ làm thủ tướng.
     Ngày 1-6-1948 Nguyễn Văn Xuân chính thức công bố chính phủ Trung ương Lâm thời Việt Nam gồm đầy đủ đại diện Bắc, Trung và Nam Việt Nam. Hôm sau, 2-6-1948, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân công bố “Pháp quy lâm thời” (Statut provisoire), quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ ở giữa, quốc ca là bài “Tiếng gọi sinh viên”, sau đổi là “Tiếng gọi thanh niên” của Lưu Hữu Phước.
     Khi chuẩn bị lập chính phủ, Nguyễn Văn Xuân đã cho trưng cầu ý kiến về việc chọn quốc kỳ. Lúc đó có năm lá cờ được đề nghị để chọn làm quốc kỳ, gồm có ba lá cờ do uỷ ban đại diện ba miền Bắc, Trung và Nam phần đưa ra, và hai lá cờ do đại diện Phật Giáo Hòa Hảo và  đạo Cao Đài đề nghị.  Cuối cùng lá cờ do
đại diện miền Nam đề nghị được chấp thuận vì có ý nghĩa nhất, lại không phức tạp, dễ thực hiện.
    Quốc kỳ mới do thủ tướng Nguyễn Văn Xuân công bố hình chữ nhật, chiều cao bằng hai phần ba chiều ngang, nền vàng giống như cờ của Trần Trọng Kim, nhưng thay vì quẻ ly, nay đổi lại ba sọc đỏ bằng nhau, chạy dài theo chiều ngang của lá cờ. Chiều cao chia thành 3 phần bằng nhau. Ở phần giữa, ba sọc đỏ nằm xen kẻ với hai sọc vàng, tất cả năm sọc đều bằng nhau.
     Ngày 8-3-1949 cựu hoàng Bảo Đại ký với tổng thống Pháp là Vincent Auriol hiệp định Élysée, tại Paris, theo đó chính phủ Pháp chính thức giải kết hòa ước bảo hộ năm 1884, Việt Nam độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Sau những thủ tục pháp lý đưa Nam Kỳ, vốn là thuộc địa của Pháp, sáp nhập trở lại vào lãnh thổ Việt Nam, nghĩa là đất nước được thống nhất, Bảo Đại trở về Việt Nam lập chính thể Quốc Gia Việt Nam do ông làm quốc trưởng cuối tháng 4-1949.
     Lúc đó, trên đất nước Việt Nam có hai chính phủ. Chính phủ QGVN ở các thành phố và vùng nông thôn phụ cận. Chính phủ VNDCCH ở núi cao, rừng sâu và bưng biền. Khu vực cai trị của hai bên không có giới tuyến rõ rệt. Hai chính phủ theo hai đường lối hoàn toàn đối kháng nhau. Chính phủ QGVN chủ trương tự do dân chủ, đa đảng tuy có phần hạn chế vì chiến tranh, và dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Chính phủ VNDCCH chủ trương độc tài toàn trị, độc đảng và dựa trên nền văn hóa Mác-xít. Hai chính phủ được tượng trưng bằng hai lá cờ cũng đối nghịch nhau: Cờ vàng ba sọc đỏ và Cờ đỏ sao vàng.
     Về phía QGVN, do đặc trính tự do dân chủ, nhiều chính phủ kế tiếp nhau cầm quyền. Cuối cùng, năm 1954 quốc trưởng Bảo Đại cử Ngô Đình Diệm lập chính phủ. Ngô Đình Diệm chính thức chấp chánh từ ngày 7-7-1954 (ngày Song thất). Hai tuần sau, hiệp định Genève được ký kết ngày 20-7-1954, chia hai nước Việt Nam ở sông Bến Hải (vĩ tuyến 17), VNDCCH ở phía bắc và QGVN ở phía nam.
     Ông Diệm ổn định tình hình miền Nam, tổ chức trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955, thiết lập chế độ Việt Nam Cộng Hòa do ông làm tổng thống ngày 26-10-1955. Quốc hội lập hiến được bầu ngày 4-3-1956, bàn chuyện thay đổi quốc kỳ và quốc ca, nhưng chưa có mẫu vẽ quốc kỳ mới nào ưng ý hơn, nên ngày 31-7-1956, Quốc hội ra quyết nghị hoãn bàn, và vẫn giữ quốc kỳ như cũ.Sau đó Quốc hội mở cuộc thi vẽ quốc kỳ mới; có tất cả 350  mẫu cờ và 50  bài nhạc được đề nghị.  Ngày 17-10-1956, Quốc hội lập hiến một lần nữa ra tuyên bố không chọn được mẫu quốc kỳ và bài hát nào hay đẹp và ý nghĩa hơn, nên quyết định giữ nguyên màu cờ và quốc ca cũ làm biểu tượng quốc gia.
     Lá Cờ vàng ba sọc đỏ được miền Nam sử dụng cho đến năm 1975, khi cộng sản Bắc Việt, với sự hậu thuẫn của Quốc tế cộng sản, cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam ngày 30-4.
     Như thế, lá Cờ vàng ba sọc đỏ đã xuất hiện từ năm 1948 trên toàn quốc, chứ không phải chỉ xuất hiện sau năm 1954, ở miền Nam Việt Nam sau khi đất nước bị chia hai. Lá Cờ vàng ba sọc đỏ hoàn toàn đối nghịch với lá Cờ đỏ sao vàng chẳng những về màu sắc, nhưng quan trọng nhất đối nghịch cả về ý nghĩa chính trị. Một bên, Cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng cho tự do dân chủ và dân tộc; một bên, Cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho độc tài, đảng trị và quốc tế cộng sản.
     Trần Gia Phụng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét