Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

TẠI SAO ĐỔI LỊCH TẾT MẬU THÂ N? - Trần Gia Phụng



Biến cố Mậu Thân (1968) xảy ra cách đây đúng 50 năm (1968-2018), bắt đầu từ quyết định rất khó hiểu vào lúc đó là việc sửa đổi âm lịch ở Bắc Việt Nam (BVN) nhân dịp Tết Mậu Thân.
<!>


1.-  SỬA ĐỔI ÂM LỊCH Ở BẮC VIỆT NAM


Ngày 8-8-1967, nhà cầm quyền BVN ra lệnh cho Nha Khí tượng Hà Nội đổi âm lịch, và lịch mới sẽ được áp dụng kể từ ngày 1-1-1968.  Nha Khí tượng chỉ có khoảng 5 tháng để đổi lịch.  


Thông thường, việc soạn lịch do những nhà khoa học lịch pháp nghiên cứu dựa trên những điều kiện thiên nhiên, chứ không phải theo ý muốn của con người, nhưng ở đây lại khác.  Xin cùng nhau đọc "Lời giới thiệu của Nha Khí tượng" Hà Nội trong lần ấn hành thứ nhứt năm 1968 quyển Lịch thế kỷ XX của nhà xuất bản Phổ Thông (sau đổi thành nhà xuất bản Văn Hóa), Hà Nội, có các đoạn nguyên văn như sau:


"Lịch thế kỷ XX gồm thời gian đã qua (1901-1967) và thời gian sắp đến (1968-2000)...


"Đối với những năm đã qua, ngày tháng âm lịch và các tiết được sao lục theo đúng các lịch được công nhận là lịch chính thức trong từng thời kỳ, không đính chính.  Phần nầy chúng tôi gọi là "Phần lịch sử (1901-1967).


"Đối với những năm sắp đến, ngày tháng âm lịch và các tiết được tính toán dựa theo quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng Chính phủ.  Phần nầy chúng tôi gọi là là "Phần tính toán (1968-2000)…


"… Phần nầy tính căn cứ theo Quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng Chính phủ.  Đã tính tất cả 792 ngày tiết và 408 tháng âm lịch, trong đó có 217 tháng đủ, 191 tháng thiếu, 12 tháng nhuận.  Trong thời gian 33 năm sắp tới trên thế giới sẽ xảy ra 73 nhật thực và 48 nguyệt thực: ở nước ta sẽ trông thấy 10 nhật thực và 29 nguyệt thực...  (Nha Khí tượng Việt Nam, Lịch thế kỷ XX (1901-2000), Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1982.  "Lời giới thiệu của Nha Khí tượng", không đề trang.)  


Những chữ in đậm do người viết bài nầy, nhằm lưu ý rằng không phải những nhà soạn lịch tự ý đề nghị sửa đổi âm lịch, mà việc sửa đổi nầy do quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng chính phủ (HĐCP) BVN, tức những nhà soạn lịch phải sửa đổi âm lịch theo ý muốn của nhà cầm quyền.


Vì vậy, trong lời nói đầu, những nhà làm lịch hai lần nhấn mạnh rằng việc đổi âm lịch “được tính toán dựa theo quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng Chính phủ.”  Nghĩa là chính phủ quyết định trước, rồi giao cho những nhà lịch pháp thi hành quyết định đó, phải sửa lịch đúng theo yêu cầu của chính phủ.  Dưới chế độ CS, tất cả các ban ngành đều phải phục vụ chính trị, phục vụ chế độ, phục vụ đảng CS.


2.-  CHỈ KHÁC NGÀY MỒNG MỘT TẾT


Việc sửa đổi âm lịch không ảnh hưởng gì đến dương lịch, chỉ ảnh hưởng đến âm lịch.  Theo Nha Khí tượng Hà Nội, trong thế kỷ 20, âm lịch sửa đổi ở BVN có những sai biệt với âm lịch cũ, đang được Nam Việt Nam (NVN) sử dụng, như sau: "Cụ thể là, từ 1968 đến năm 2000 có thất cả 29 ngày tiết và 26 tháng âm lịch thiếu, đủ khác với lịch cũ.  Sự khác nhau đó đưa đến kết quả là, so với lịch cũ, ngày Tết Mậu Thân (1968) và Kỷ Dậu (1969) sớm hơn một ngày.  Ngày Tết Ất Sửu (1985)  sớm hơn một tháng." (“Lời giới thiệu của Nha Khí tượng”, “Phần tính toán (1968-2000), sđd.)  (Người viết bài nầy in đậm.)  


Trong những sai biệt so với âm lịch cũ, gần nhứt và quan trọng nhứt là tháng Chạp (tháng 12) năm Đinh Mùi không có ngày 30, tức tháng Chạp thiếu, và ngày mồng Một Tết Mậu Thân (1968) ở BVN sớm hơn một ngày so với lịch cũ.  Đó là ngày thứ Hai 29-1-1968 dương lịch.  Trong khi đó, theo âm lịch cũ, cũng là âm lịch NVN đang sử dụng, ngày mồng Một Tết Mậu Thân là ngày thứ Ba 30-1-1968 dương lịch.  (Lịch năm 1967 và 1968 của BVN theo Nha Khí Tượng Việt Nam [Hà Nội], Lịch thế kỷ XX (1901-2000), Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1982.  Lịch năm 1967 và 1968 của NVN theo Nguyễn Như Lân, 200 năm dương lịch và âm lịch đối chiếu [1780-1980], Sài Gòn 1961, tt. 216-227.)


Việc sửa đổi nầy không căn cứ trên nghiên cứu khoa học, mà căn cứ theo quyết định của HĐCP.   Hội đồng chinh phủ CS nằm dưới quyền điều khiển của bộ chính trị đảng Lao Động.  Lúc đó, chẳng ai hiểu vì sao BVN bớt đi một ngày vào cuối tháng chạp năm Đinh Mùi, và cũng chẳng ai lưu ý bớt để làm cái gi?


Ngày nay, muốn tìm hiểu câu hỏi nầy, cần nhìn lại diễn tiến chính trị và quân sự lúc đó ở BVN, vì ai cũng biết rằng tất cả việc làm, dù lớn dù nhỏ, của nhà cầm quyền Hà Nội đều luôn luôn dựa trên những tính toán chính trị hữu cơ rất chi tiết.


3.-  HOÀN CẢNH ĐƯA ĐẾN VIỆC ĐỔI ÂM LỊCH


Khi cầm quyền ở BVN từ tháng 10-1954, đảng Lao Động lo ổn định tình hình, cải cách công thương nghiệp, tổ chức công tư hợp doanh ở thành phố, cải cách ruộng đất ở nông thôn, quốc hữu hóa toàn bộ sinh hoạt kinh tế và làm chủ tuyệt đối BVN.  Sau đó, CS nhìn về phương Nam, dự tính xâm lăng NVN, bành trướng chủ nghĩa CS.


Hội nghị Trung ương đảng Lao Động lần thứ 15 tại Hà Nội ngày 13-5-1959, đưa ra nghị quyết thống nhất đất nước (tức đánh chiếm NVN bằng võ lực) và đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa. (Nghị quyết đăng trên nhật báo Nhân Dân ngày 14-5-1959) .    


Năm sau, đại hội III đảng Lao Động tại Hà Nội từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1960, được mệnh danh là "Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà", đưa ra hai mục tiêu lớn của đảng Lao Động là xây dựng BVN tiến lên Xã hội chủ nghĩa và "giải phóng" NVN bằng võ lực.  


Để chuẩn bị tấn công NVN, CSBVN thành lập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) ngày 12-12-1960 tại Hà Nội.  Mặt trận nầy chính thức ra mắt vào ngày 20-12-1960 tại chiến khu Dương Minh Châu vùng Tây Ninh ở NVN.  (Dương Minh Châu là chủ tịch Uỷ ban Hành chánh Kháng chiến Tây Ninh bị Pháp giết chết trong một trận càn quét vào tháng 2-1947 tại Tây Ninh.)


Ở NVN, chính phủ Ngô Đình Diệm bị sụp đổ năm 1963.  Nam Việt Nam bị xáo trộn liên tục trong ba năm.  Chiến tranh du kích càng ngày càng lan rộng và càng ác liệt ở NVN.  Quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh đến giúp NVN càng ngày càng đông.  Nền Đệ nhị Cộng Hòa được thành lập giữa năm 1967, ổn định dần dần tình hình.  Năm 1967 cũng là năm bắt đầu cuộc vận động tranh cử tổng thống cho năm sau (1968) tại Hoa Kỳ.  Chính trường Hoa Kỳ rất nhạy cảm và dễ dao động trong giai đoạn vận động tranh cử.  


Chính trong hoàn cảnh đó, BVN dự tính mở một cuộc tổng tấn công để đánh chiếm nhanh chóng toàn bộ NVN, hoặc ít nhất phá vỡ nền tảng hành chánh mới được thiết lập của nền Đệ nhị Cộng Hòa ở NVN, đồng thời để chứng tỏ cho Hoa Kỳ thấy rằng Hoa Kỳ không thể chiến thắng tại Việt Nam, dù vào cuối năm 1967 số quân Hoa Kỳ tại NVN đã lên đến 486,000 người.


Vào đầu tháng 7-1967, tại Hà Nội, diễn ra các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương đảng Lao Động, duyệt y kế hoạch phát động cuộc tấn công vào các thành phố ở NVN nhân dịp Tết
Mậu Thân (1968).  Cuộc họp nầy diễn ra một tháng trước khi HĐCP Hà Nội ra quyết định ngày 8-8-1967, sửa đổi âm lịch.  Phải chăng chính cuộc họp của Bộ chính trị đảng Lao Động đã ra lệnh cho HĐCP, rồi HĐCP theo đó thi hành, buộc Nha Khí tượng gấp rút soạn lại lịch, chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công ở NVN?


4.-  HƯU CHIẾN TẾT MẬU THÂN


Trong cuộc chiến Quốc Cộng, hai bên thường hưu chiến trong ba ngày Tết.  Đây là một thông lệ bất thành văn giữa hai bên, tôn trọng tập tục truyền thống dân tộc Việt Nam.  


Ngày 19-10-1967, đài phát thanh Hà Nội đưa ra lời tuyên bố của nhà nước VNDCCH, tự nguyện ngưng bắn từ 01G:00 sáng giờ Hà Nội ngày 27-1-1968 đến 01G:00 sáng giờ Hà Nội ngày 3-2-1968, tức trong 7 ngày.(Wikipedia.org.  Chữ khóa: “Sự kiện Tết Mậu Thân.)


Ngày 17-11-1967, MTDTGPMNVN đưa ra đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh, 3 ngày lễ Tết dương lịch và 7 ngày Tết âm lịch. (Don Oberdorfer, TET, New York: A Da Capo Paperback, 1971, tr. 70.)  Đề nghị nầy đưọc đài phát thanh MTDTGP lập lại ngày 15-12-1967. (Đoàn Thêm, 1967 Việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 287,)  Đến gần Tết Mậu Thân, ngày 27-1-1968, đài phát thanh Hà Nội đưa ra thông báo của Thông tấn xã BVN sẽ phóng thích ba tù binh Hoa Kỳ nhân dịp Tết vì nhân đạo.  (Đoàn Thêm, 1968 Việc từng ngày, California: Nxb. Xuân Thu tái bản, 1989, tr. 38.)


Trong khi đó, ngày 15-12-1967, chính phủ VNCH thông báo sẽ hưu chiến trong dịp lễ Giáng sinh từ 18G:00 ngày 24-12-1967 đến 18G:00 ngày 25-12-1967; hưu chiến 24 giờ vào dịp 1-1-1968, và hưu chiến 48 giờ vào dịp Tết nguyên đán Mậu Thân. (Đoàn Thêm, 1967 Việc từng ngày, sđd. tr. 286.)


Hưu chiến là hai bên thỏa thuận tạm ngừng đánh nhau cho dân chúng hưởng Tết.  Tuy nhiên, tình báo quân đội Hoa Kỳ bắt được nhiều nguồn tin là CS sẽ tấn công lớn vào dịp Tết, và thông báo cho phía VNCH biết.


Dầu vậy, trước tình hình ngoại giao có vẻ hòa hoãn, nhứt là vào cuối năm 1967, quân đội Hoa Kỳ hiện diện đông đảo ở NVN (486.000 người), đã tạo một ảo giác bình yên trong tâm lý dân chúng miền Nam, nên ngay cả cá nhân trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, vừa mới đắc cử tổng thống ngày 3-9-1967, cũng rời Sài Gòn đưa gia đình về quê vợ ở Mỹ Tho, và trung tướng Vĩnh Lộc, tư lệnh quân đoàn 2, phụ trách lãnh thổ cao nguyên Trung phần, bỏ về Sài Gòn nghỉ Tết.   


Trong khi đó, về quân sự để đánh lạc hướng dự đoán của VNCH và Đồng minh, Việt cộng tấn công mãnh liệt các cứ điểm quân sự ở Cao nguyên Trung phần và đặc biệt tung ba sư đoàn chính quy là 325C, 304, và 308 bao vây Khe Sanh (Quảng Trị) từ ngày 20-1-1968.  Khe Sanh là cứ điểm chiến lược kiểm soát trục giao thông và vận tải trên đường mòn Trường Sơn của cộng sản từ Bắc vào Nam, gần khu phi quân sự, do Lực lượng đặc biệt Mỹ trấn giữ, nằm trên đường số 9, giữa biên giới Lào và thị trấn Quảng Trị, cách biên giới khoảng 20 dặm và cách Quảng Trị khoảng 30 dặm.


Nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội còn đưa ra một hư chiêu, bằng cách cho báo chí Hà Nội lên tiếng rằng Khe Sanh sẽ là một Điện Biên Phủ thứ hai, khiến các nhà lãnh đạo VNCH, Hoa Kỳ, và cả thế giới nữa, đổ dồn sự chú ý vào Khe Sanh, và chờ đợi một cuộc thử sức lớn lao giữa hai bên sắp bùng nổ.


5.-  TẤN CÔNG ĐÊM GIAO THỪA


Đúng như tin tức tình báo do quân đội Hoa Kỳ bắt được, bộ đội CS đã nổi lên tấn công đêm Giao thừa và sáng Mồng Một Tết Mậu Thân ở nhiều thành phố NVN (tối thứ Hai 29-1-1968 sáng thứ Ba 30-1-1968 dương lịch).  Cộng sản hy vọng tấn công trong dịp hưu chiến, thì còn gì bất ngờ hơn nữa.  Tuy nhiên quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng đẩy lui cuộc tổng tấn công của bộ đội CS.


Cộng sản nổ súng đêm Giao thừa mới lòi ra âm mưu đen tối của CS.  Rõ ràng BVN thay đổi âm lịch, làm cho ngày Tết Mậu Thân ở BVN trước ngày Tết NVN một ngày, nhắm mục đích diễn trò đánh lén hèn hạ, bất chấp ngày lễ cổ truyền thiêng liêng của dân tộc.  


Cộng sản để cho dân chúng BVN và bộ đội của họ ăn Tết trước một ngày.  Điều nầy nhắm đến hai mục tiêu:  Mục tiêu thứ nhứt, trong ngày mồng Một Tết của BVN theo âm lịch mới, dân chúng BVN cũng như bộ đội CS ở BVN và NVN vui xuân bình thường như mọi năm.  Đặc biệt là Không quân Việt Nam Cộng Hòa tức NVN cũng như Không quân Hoa Kỳ tôn trọng hưu chiến, không hoạt động nhân ngày hưu chiến, nên CS hưởng được một ngày an bình trọn vẹn dưới đất cũng như trên không.  Mục tiêu thứ hai là đánh lừa sự quan sát theo dõi của thế giới, bảo mật tối đa đến phút chót đối với binh sĩ của họ cũng như đối với quân đội VNCH.  


Ngày mồng Một Tết Mậu Thân của BVN tức là ngày 30 tháng chạp âm lịch của NVN (29-1-1968), dân chúng BVN và bộ đội CS, ở ngoài Bắc cũng như bộ đội CS ở trong Nam, đều vui chơi hưởng Tết, khiến ai cũng tưởng rằng CS sẵn sàng tôn trọng cuộc hưu chiến trong dịp Tết và không hoài nghi gì về việc CS đang chuẩn bị một cuộc tấn công quy mô trên khắp lãnh thổ VNCH.  


Tuy chuẩn bị kế hoạch đầy đủ, nhưng vấn đề chính trị luôn luôn biến chuyển sinh động từng ngày, từng giờ, đôi khi đột biến bất ngờ.  Có thể có những yếu tố đột biến xoay chuyển cả lịch sử.  Trên thế giới đang diễn ra những cuộc vận động ngoại giao ráo riết liên tục từ nhiều nước, để giải quyết chiến tranh Việt Nam, nên đảng Lao Động phải đợi đến giờ chót mới ra lệnh là sẽ tấn công hay không tấn công?  


Lệnh tổng tấn công nầy cần được ngụy trang, và Hà Nội chọn cách ngụy trang hầu như không ai chú ý, là thơ chúc Tết mà hằng năm Hồ Chí Minh thường đọc trên đài phát thanh Hà Nội.  Đây là điều bình thường hằng năm ở BVN, nên chẳng ai chú ý.  Lần nầy thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh là hiệu lệnh tổng tấn công.  


Lệnh tấn công thì phải đọc trước giờ tấn công.  Giờ tấn công định vào giờ Giao thừa ở NVN.  Nếu đã định vào giờ Giao thừa, mà đọc thơ chúc Tết sáng 30 tháng chạp thì sẽ bị chú ý ngay, vì đây là một hiện tượng bất thường chưa hề xảy ra về trước.  Phải đọc thơ chúc Tết đúng đêm giao thừa và được lập lại nhiều lần sáng mồng Một ở Hà Nội bình thường như mọi năm, mới tránh được sự nghi ngờ từ mọi phía.  


Vậy chỉ có một biện pháp duy nhứt là sửa lịch thế nào cho BVN là mồng Một mà NVN vẫn là Ba mươi, tức là BVN trước NVN 24 giờ.  Như thế Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết đêm Giao thừa và lập lại sáng mồng Một ở BVN (trước Giao thừa NVN 24 giờ) nhằm truyền lệnh tấn công cho bộ đội CS vào đêm Giao thừa tức đêm Ba mươi Tết ở NVN (sau đêm Giao thừa Bắc Việt 24 giờ).


Dĩ nhiên đài Hà Nội phát đi phát lại nhiều lần bài thơ nầy trên làn sóng điện từ đên Giao thừa và suốt trong ngày mồng Một Tết ở BVN, tức trong ngày Ba mươi ở NVN, nên ở đâu trên toàn cõi NVN tức VNCH, các cấp chỉ huy CS cũng đều nghe được mật lệnh nầy, và đều có thời giờ chuẩn bị sẵn sàng nhất loạt hành động.  Cách truyền lệnh nầy hầu như không bị chú ý.


Lúc đó phương tiện thông tin liên lạc còn rất kém.  Muốn ra lệnh kịp thời vào giờ chót cho các lực lượng CS trên toàn lãnh thổ NVN, trải dài từ sông Bến Hải đến mũi Cà Mau (từ bắc xuống nam VNCH), thì chỉ có phương tiện duy nhứt là đài phát thanh Hà Nội, là đài phát thanh rất mạnh mà ở đâu trên toàn cõi VNCH cũng có thể nghe được.  Do đó, nhà cầm quyền CSBVN chọn đài phát thanh Hà Nội để ra lệnh.


6.-  TẠI SAO ĐÊM GIAO THỪA?
Ngang đây, có một câu hỏi phụ thêm là CS có thể giữ nguyên lịch cũ, đêm Giao thừa, Hồ Chí Minh đọc thơ ra lệnh, tối mồng Một tấn công, cũng bất ngờ vậy?  Điều nầy đúng, nhưng chắc chắn thời điểm tấn công tối mồng Một không thuận lợi bằng tấn công đêm Giao thừa.  


Lý do đơn giản là đối với người Việt Nam ở Bắc cũng như Nam, ở thành thị cũng như nông thôn hay rừng núi, đêm Giao thừa có ý nghĩa linh thiêng, ở đâu mọi người đều lo cúng rước ông bà, tổ tiên về vui Tết với con cháu, và đón mừng năm mới theo tập tục cổ truyền của dân tộc.  


Chắc chắn việc trực gác cơ quan hay đơn vị quân sự cũng có phần lơ là hơn là các ngày mồng Một hay mồng Hai Tết.  Tại các tiền đồn hẻo lánh, các đơn vị quân đội hẵn cũng tổ chức đón mừng năm mới vào đêm Giao thừa.  Do đó, tấn công đêm Ba Mươi Tết là thời điểm bất ngờ hơn cả, hy vọng đạt kết quả hơn cả.  Đó là lý do CS chọn đêm Ba Mươi để hành sự.  Muốn chọn đêm Ba Mươi (ở NVN) và bảo mật đến mức tối đa đến phút chót, thì CS phải sửa âm lịch theo kế hoạch như đã trình bày ở trên.


Để giữ bí mật đến phút chót, nhà cầm quyền Hà Nội còn ra lệnh cho Nha Khí tượng áp dụng lịch mới đổi từ ngày 1-1-1968, chỉ được phát hành lịch mới nầy vào đầu năm 1968, tức là ngay cả dân chúng BVN, đến phút chót vào đầu năm 1968, mới được biết việc thay đổi âm lịch.  


Do đó, về phần Nha Khí tượng Hà Nội, trong lời giới thiệu rất ngắn, để tránh bớt trách nhiệm, kín đáo nhắc lại hai lần: "Đối với những năm sắp đến, ngày tháng âm lịch và các tiết được tính toán dựa theo quyết định số 121/CP ngày 8-8-1967 của Hội đồng Chính phủ.  Phần nầy chúng tôi gọi là là "Phần tính toán (1968-2000)".  


Đặc biệt, trong những lần ấn hành lịch vào những năm sau, Nha Khí tượng Hà Nội đều không quên in lại lời giới thiệu lần đầu nầy, như một cách tránh né trách nhiệm trước dư luận.  Sự cẩn trọng của những chuyên viên lịch pháp Nha Khí tượng Hà Nội chắc chắn có những lý lẽ ngầm mà họ không thể nói ra.  


KẾT LUẬN


Tóm lại, tất cả những diễn tiến chiến tranh trên đây đã trả lời câu hỏi là Hà Nội sửa đổi âm lịch năm Mậu Thân 1968 để làm gì?  Nói văn hoa là để tấn công bất ngờ.  Nói nôm na là để đánh lén.  (Nói thô tục lả để cắn trộm.)
Tuy bội ước, tráo trở, tấn công bất ngờ, hay đánh lén, CS cũng không thành công trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, mà còn mang lấy thảm họa, đến nỗi khi nghe nhà văn quân đội CS, đại tá Xuân Thiều trình bày: “Tôi thấy Tết Mậu Thân sáu tám ở Huế chết chóc nhiều quá, mất mát đau thương lớn quá. Bộ đội chết không còn người để chôn nhau. Dân chết cũng nhiều... Mới nghe có thế, Tổng Bí Thư [Lê Duẩn] đã đứng bật dậy, đỏ mặt quát: Ngu! Ngu! Đại Tá mà ngu!... rồi ông đùng đùng bước nhanh ra cửa như chạy trốn.”  (Phạm Đình Trọng,  Về Với Dân, phần 3: Khắc khoải xuân Mậu Thân 1968, https://nhatbaovanhoa.com/.../tet-mau-than-1968-nhin-tu-mot-nha-van-dang-vien-co)


Hứa hẹn hưu chiến, hứa hẹn tôn trọng truyền thống dân tộc.  Rồi bội ước, vi phạm hưu chiến, bất chấp truyền thống dân tộc.  Vì vậy không ai lấy làm lạ CS bội ước luôn cả những văn kiện quốc tế có nhiều nước trên thế giới làm chứng.  Bội ước là thói quen thường ngày của người CS.  Chức tước càng cao, càng có nhiều kinh nghiệm bội ước.


TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 29-01-2018)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét