Điểm thi môn Lịch Sử của học sinh trong kỳ thi Phổ thông Trung học vừa qua thấp kỷ lục. RFA phỏng vấn Giáo sư Trần Gia Phụng, Nhà nghiên cứu sử học tốt nghiệp Ban Sử Điạ Đại Học Sư Phạm Huế năm 1965, Cử nhân Giáo khoa Sử học Đại Học Văn Khoa Huế năm 1965, hiện sinh sống tại Canada, về vấn đề này.
<!>
Diễm Thi: Thưa giáo sư, truyền thông trong nước thừa nhận điểm thi môn lịch sử kỳ thi Phổ thông Trung học (PTTH) năm 2018 thấp kỷ lục. Giáo sư nhận định như thế nào về thừa nhận này ạ?
GS. Trần Gia Phụng: Truyền thông trong nước, dù tất cả đều là báo chí lề phải của nhà nước, cũng phải thừa nhận một sự thật hiển nhiên không thể chối cãi là kết quả môn thi lịch sử kỳ thi PTTH năm nay là rất thấp. Không phải năm nay, mà hầu như trong nhiều năm gần đây, kết quả môn thi lịch sử trong các kỳ thi THPT đều rất thấp. Chính giáo sư Phan Huy Lê trước đây cũng đã than phiền về việc này. Vì vậy, tôi không lấy làm lạ về kết quả này.
Diễm Thi: Theo giáo sư thì nguyên nhân vì sao mà điểm thi môn lịch sử thấp như thế trên cả nước?
GS. Trần Gia Phụng: Theo tôi, có thể tôi chủ quan và nếu chưa đúng thì xin bổ túc, điểm thi môn sử năm nay thấp như thế chỉ vì một lý do đơn giản, là học sinh không muốn học môn lịch sử. Còn vì sao học sinh không muốc học môn lịch sử, có thể có hai lý do:
Thứ nhứt, nhà cầm quyền cộng sản (CS) dùng môn lịch sử ở trường học để tuyên truyền, nhồi sọ học sinh về chủ nghĩa CS, về duy vật sử quan, về phong trào CS thế giới và phong trào CSVN, và CS đả kích, chê bai các chế độ quân chủ, tư bản để tự nâng cao giá trị chế độ CS.
Thứ hai, nhà cầm quyền CS xem nhẹ hay cố ý giảm nhẹ giá trị môn lịch sử. Mục đích quan trọng của môn lịch sử là giáo dục cho học sinh lòng yêu nước, tinh thần dân tộc. Đây là điều trái ngược với chủ nghĩa CS, chỉ muốn dạy cho học sinh trở thành những người CS cuồng tín, “yêu tổ quốc là yêu chủ nghĩa xã hội”. Ví dụ CS muốn bỏ cả những bài học chống những cuộc xâm lăng của Bắc phương vì đụng chạm đến Trung cộng.
Vì vậy, môn lịch sử dưới mái trường XHCN không hấp dẫn học sinh, nên học sinh không thích học, không muốn học. Vì vậy điểm thi môn lịch sử không thể cao được. - GS. Trần Gia Phụng
Trong khi đó, ngày nay, chủ nghĩa CS không còn hợp thời, đã bị đào thải, thậm chí bị lên án như quyết định 1481 do quốc hội Âu Châu đưa ra ngày 21-1-2006, gọi phong trào CS chống nhân loại. Còn các chính thể tư bản tự do càng ngày càng phát triển, tôn trọng dân chủ, dân quyền và nhân quyền. Ví dụ dân chúng trong nước, kể cả cán bộ CS, ai cũng kiếm cách gởi con qua Mỹ chứ có ai ưa gởi con qua Tàu đâu.
Vì vậy, môn lịch sử dưới mái trường XHCN không hấp dẫn học sinh, nên học sinh không thích học, không muốn học. Vì vậy điểm thi môn lịch sử không thể cao được.
Diễm Thi: Thưa giáo sư, với kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu về lịch sử từ trước 1975 cho đến sau 1975, giáo sư thấy sách giáo khoa và cách dạy sử trước và sau 1975 khác nhau như thế nào?
GS. Trần Gia Phụng: Trước hết, xin chú ý, trước năm 1975, chính sách giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là nhân bản, dân tộc và khai phóng; sau năm 1975, chính sách giáo dục của CS là giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng CS. Vì vậy trước và sau năm 1975, việc giáo dục hoàn toàn khác nhau.
Về sách giáo khoa: Trước năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ đưa ra chương trình lịch sử, không ban hành sách giáo khoa. Mỗi giáo sư tự soạn giáo khoa giảng dạy cho học sinh, hoặc dùng một sách giáo khoa do tư nhân soạn mà giáo sư ưng ý.
Sau năm 1975, vì chủ trương giáo dục phục vụ chính trị, nên nhà cầm quyền cộng sản kiểm soát gắt gao sách giáo khoa. Sách giáo khoa phải viết theo đúng đường lối chính sách của đảng CS. Đôi khi sách giáo khoa CS bóp méo sự thật, hoặc bịa đặt, lừa dối. Ban soạn sách phải do đảng CS chỉ định. Giáo khoa là pháp lệnh, không ai được giảng dạy bất cứ điều gì ngoài sách giáo khoa, dù sách giáo khoa không đúng với sự thật lịch sử. Học sinh không được hỏi những vấn đề ngoài sách giáo khoa, không được thắc mắc những câu chuyện trong sách giáo khoa.
Theo tôi, chỉ khi nào CS hết cầm quyền ở Việt Nam, thì mới có sự thay đổi thật sự về việc dạy sử. Điều đó ra ngoài chủ đề hôm nay của chúng ta. - GS. Trần Gia Phụng
Trước năm 1975, trong xã hội CS bưng bít ở ngoài Bắc, CS muốn viết gì thì viết, muốn nói gì thì nói. Sau 1975, nhờ tiếp xúc với miền Nam Việt Nam, nhờ sự liên lạc với nước ngoài, nhờ sự phát triển của Internet, người Việt trong nước càng ngày càng mở rộng hiểu biết, nên thấy rõ sách giáo khoa lịch sử CS chỉ là những sách tuyên truyền.
Về cách dạy sử trước năm 1975, vì tính cách khai phóng, giáo sư ở miền Nam Việt Nam được quyền tự do dạy những gì mình suy nghĩ, kể cả những suy nghĩ đó không theo đường lối của chính phủ. Trước năm 1975, ở Nam Việt Nam, có nhiều giáo sư thiên cộng vẫn được đi dạy, chỉ trừ những người hoạt động lộ liễu, có hại cho an ninh quốc gia. Còn học sinh miền Nam Việt Nam được quyền tự do hỏi những vấn đề mình thắc mắc, kể cả những vấn đề chính trị tế nhị. Vì vậy, việc dạy và việc học lịch sử trước năm 1975 ở Nam Việt Nam linh động, mở rộng hiểu biết của học sinh, còn việc dạy và học lịch sử sau năm 1975 thụ động theo sách giáo khoa, mà lại sách giáo khoa sai sự thật. Ví dụ bây giờ giảng dạy chuyện đuốc sống Lê Văn Tám thì học sinh làm sao tin được?
Diễm Thi: Lịch sử là phải chính xác nhưng sách sử trong nước hiện nay thì yếu tố chính trị nhiều quá. Cũng đã có những đề nghị thay đổi từ trong nước. Theo giáo sư thì những đề nghị này có được lắng nghe không, và phải làm sao để có thể một sự thay đổi thực sự?
GS. Trần Gia Phụng: Nói cho đúng, sách giáo khoa (sử) dưới mái trường XHCN đều là sách tuyên truyền chủ nghĩa CS, dưới hình thức này hay hình thức khác. Hiện nay, có nhiều nhà nghiên cứu, nhiều giáo sư trong nước đã thấy vấn đề nầy, thấy nhiều sai sót về nhận định cũng như về sự kiện, và đề nghị sửa đổi. Giới lãnh đạo CS biết việc nầy, nhưng họ chỉ cho sửa đổi những gì không có hại cho chế độ CS, còn nếu sách giáo khoa mà sửa đổi, viết lịch sử đúng với sự thật quá khứ, thì còn gì là chế độ CS nữa, nên CS chẳng bao giờ sửa đổi và đừng mong CS sửa đổi.
Theo tôi, chỉ khi nào CS hết cầm quyền ở Việt Nam, thì mới có sự thay đổi thật sự về việc dạy sử trong nước. Điều đó ra ngoài chủ đề hôm nay của chúng ta.
Diễm Thi: Xin cảm ơn Giáo sư Trần Gia Phụng đã dành thời gian cho RFA. Chúc ông sức khỏe.
GS. Trần Gia Phụng: Xin cám ơn chị Diễm Thi đã phỏng vấn và kính chào quý khán thính giả RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét