Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016

TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ NGHIÊN CỨU SỬ HỌC TRẦN GIA PHỤNG - Hồng Phúc



Chương trình: Thế Giới Ngày Nay

Đài Phát Thanh Việt Nam

Oaklahoma City

Hồng Phúc phỏng vấn ngày Thứ Hai 25-7-2016

Phát thanh ngày Thứ Bảy 30-7-2016

Trong tháng vừa qua, nhà xuất bản Non Nước Toronto, Canada đã phát hành tác phẩm Lịch sử sẽ phán xét của nhà nghiên cứu sử học Trần Gia Phụng.  Đây là tác phẩm thứ 22 của ông ở hải ngoại.  Sách dày khoảng 650 trang, bạch hóa các xuyên tạc và bóp méo lịch sử của Công sản Việt Nam từ trước đến nay.  Trước khi bàn đến tác phẩm nầy trong một chương trình kỳ tới, hôm nay chúng tôi xin ghi lại sau đây cuộc nói chuyện giữa chúng tôi với ông Trần Gia Phụng về việc soạn và viết sử của ông.
<!>



1.  Hồng Phúc:   Trước hết, thưa ông, trong những công trình nghiên cứu sử học đồ sộ bằng tim óc của ông để lại cho hậu thế, xin ông vui lòng cho biết về hình thức, vì sao bìa sách ông chọn toàn mầu vàng?



Trần Gia Phụng:  Tôi xin cảm ơn anh Hồng Phúc về cuộc trò chuyện hôm nay chung quanh các tác phẩm của tôi vì độc giả thường chú trọng đến nội dung tác phẩm, mà ít để ý đến tiến trình soạn thảo hay sáng tác của người viết khi hình thành một tác phẩm.



Anh Hồng Phúc nói đúng.  Từ năm 1996 cho đến nay, tôi ấn hành trên 20 đầu sách, với bìa sách hoàn toàn màu vàng.  Vì vậy có người đã chê trên báo Thế Kỷ 21 ở California trước đây, rằng bìa sách tôi quá đơn điệu, toàn màu vàng, chẳng đẹp tý nào.  Có người vào thư viện thấy một dãy sách màu vàng của tôi trên kệ sách, thì lại cho rằng tôi muốn tạo một mẫu bìa màu cho riêng mình, một thương hiệu cho sách của mình.



Sự thật ngay từ đầu tôi chọn bìa sách màu vàng, và sau đó tôi tiếp tục bìa sách toàn màu vàng vì tôi thích và quý màu vàng.  Anh Hồng Phúc để ý, màu vàng là một màu hết sức đặc biệt với người Việt chúng ta.  Đó là màu của lá cờ thiêng của tổ quốc Việt Nam.  Màu cờ nầy in đậm trong tim óc tôi từ thời đi học, và càng in đậm hơn nữa sau ngày 30-4-1975, vì sau khi cưỡng chiếm Nam Việt Nam, CS ra lệnh tiêu hủy lá cờ của chúng ta.  Lá cờ bị tai nạn, tôi lại càng thương hơn, nên khi in sách, tôi chọn bìa màu vàng.



Với tôi, màu vàng thể hiện tình hoài hương và bìa sách màu vàng chính là tâm tình của tôi xin gởi đến độc giả.  Đó là lý do đơn giản và thầm kín vì sao tôi chọn màu vàng cho tất cả các bìa sách của tôi. 



2.  Hồng Phúc:  Thưa anh, về phần kỹ thuật trình bầy quyển sách, anh tự tay layout hay là có sự tiếp sức của các cháu hoặc là những bạn trẻ nào khác ?



Trần Gia Phụng:  Thưa anh, khi tôi qua Canada năm 1995, tôi dốt đặc về computer.  Tôi chẳng biết gì về computer cả.  Con tôi hướng dẫn cho tôi học computer để viết bài.  Tôi phải ghi lại từng việc một, từng bước một, rồi theo đó mà chọt bàn phiếm.  Chọt hai ngón thôi nghe.  Lâu dần thành quen.  Tôi viết bằng computer và tự lay out lấy.  Quyển sách đầu tiên, quyển Trung Kỳ dân biến 1908, cháu giúp tôi lay out.  Tôi ghi lại từng động tác một theo sự chỉ dẫn của cháu.  Qua quyển thứ hai, tôi tự làm lấy hết từ đầu đến cuối.  Nghề dạy nghề mà anh Hồng Phúc.  Bây giờ thì khá rồi.



Tự lay out sách của mình cũng có cái lợi là mình có thể tự sửa câu văn theo ý mình, nhằm làm cho các trang giấy luôn luôn đều nhau, để các trang giấy cân bằng, trông mỹ thuật.  Mình còn có thể minh họa bằng hình những khoảng trống cuối chương.  Cuối cùng, mình tự lay out còn đỡ tốn tiền nữa, vì tiền công lay out khá cao.  Chi phí in ấn thấp được chút nào hay chút đó. Tác giả nhà nghèo mà anh Hồng Phúc.



3.  Hồng Phúc:  Thưa anh, được biết anh tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Sử Địa, vì sao anh lại chuyên nghiên cứu về sử Việt, mà không là sử thế giới hay địa lý, vân vân… ?



Trần Gia Phụng:  Thưa anh, đúng là tôi tốt nghiệp Ban Sử Địa ĐHSP Huế năm 1965, nhưng tôi chỉ viết Việt sử vì hai lẽ: 1) Những người tốt nghiệp ở nước ngoài rành sử thế giới hơn mình, để họ viết.  2) Như anh biết, nhu cầu tìm hiểu Việt sử của người Việt hiện nay cao hơn rất nhiều so với sử thế giới hay địa lý.  Hơn nữa, như anh biết, trong tình hình hiện nay, ngành Việt sử thật cần thiết vì hai lẽ:



Thứ nhứt, ở hải ngoại, những người lớn tuổi ưa đọc Việt sử vì hoài hương, nhớ quê nhà.  Những người trẻ tuổi, sinh trưởng ở hải ngoại, tìm về nguồn gốc của mình, rất muốn biết Việt sử, chỉ tiếc là mấy em ít rành tiếng Việt.  Có một số học sinh cũ của tôi ở trong nước, gặp lại tôi ở hải ngoại, đã tâm sự với tôi thế nầy:  Hồi ở trong nước, các em ít chú trọng đến Việt sử vì khi còn ở trong trường, hệ số môn thi sử địa thấp, rồi ra đời lo làm việc không chú trọng đến Việt sử vì nghĩ rằng lịch sử nước mình có sẵn đó rồi, khi nào cần thì đọc được ngay.  Bây giờ ra nước ngoài mới thấy rất cần đọc.



Thứ hai, hiện nay, ở trong nước, cộng sản viết Việt sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa, theo chủ trương chính sách của CS, bóp méo lich sử, sáng tác những chuyện láo lếu như chuyện Hồ Chí Minh, chuyện Lê Văn Tám, Phan Đình Giót, Kim Đồng… Vì vậy chúng ta ở hải ngoại, được tự do học hỏi, nghiên cứu, viết lách, chúng ta cần phải viết Việt sử cho các thế hệ trẻ khỏi bị nhiễm độc do CS tuyên truyền.



4.  Hồng Phúc:  Thưa anh, trong hơn 20 tác phẩm đã xuất bản, anh có nhận được một khoản tài trợ hay bảo trợ nào của ai không?  Nếu không, thì nguồn tài chánh từ đâu đến mà anh có thể thực hiện được một công trinh lớn lao như vậy?



Trần Gia Phụng:  Thưa quý thính giả nghe đài, thưa anh Hồng Phúc.  Đây là câu hỏi thú vị, vì trước anh Hồng Phúc, cũng có một số người đặt câu hỏi nầy với riêng tôi khi họ thấy hằng năm, tiền đâu mà tôi in sách đều đều.



Tôi xin xác định ngay hai điều: 1) Tôi không sống bằng nghề viết sách và bán sách.  2) Tôi không nhận bất cứ nguồn tài trợ nào để viết sách.



Về điều thứ nhứt, tiền in và tiền bán sách tôi để riêng, không đụng đến.  Thú thật với quý vị, khi in quyển sách đầu tiền, tiền in sách do các con tôi giúp đỡ.  Các cháu giao hẹn là tôi bán được sách nầy thì mới in tiếp sách sau; nếu tôi không bán được thì thôi luôn, chứ các cháu không có tiền đâu mà cho ba in sách hoài.  May mắn là khi tôi xuất bản quyển sách đầu tiên năm 1996, bạn bè, những người thân thấy tôi ra nước ngoài mới một năm, mà đã viết và in được sách, liền ủng hộ tôi, đặt mua sách, vận động bán giùm sách cho tôi, nhờ đó tôi mới đủ sở hụi.  Như đã thưa với quý thính giả nghe đài trên đây, tôi tự đánh máy, tôi tự lay out, nên tôi chỉ tốn tiền in mà thôi



Cũng may, sách tôi càng ngày càng được tiêu thụ khá hơn.  Điều nầy anh Hồng Phúc hoặc quý vị thính giả có thể kiểm chứng ở tất cả các hiệu sách Việt Nam trên Bắc Mỹ nầy, nhất là ở California.  Tôi theo kế hoạch lấy sách nuôi sách.  Tôi mở một account riêng về tiền bán sách.  Tiền bán sách được bao nhiêu, tôi bỏ vào account nầy, để dành in sách sau, và cứ thế mà từ năm nầy qua năm khác, tôi lần lượt in được 25 đầu sách, trong đó có ba đầu sách tái bản. 



Về điều thứ hai, tức về việc tài trợ, thì tôi tuyệt đối không nhận bất cứ nguồn tài trợ nào.  Thú thật, cũng có một vài mạnh thường quân thấy tôi chật vật về tài chánh, đã đề nghị tài trợ, hoặc đề nghị giúp tổ chức ra mắt sách cho tôi bán sách, hoặc cho tôi mượn tiền để in sách, mà tôi không tiện nói ra ở đây. Tính tôi vốn độc lập, có lập trường riêng, không muốn lệ thuộc ai, không muốn bị mang tiếng là viết sách theo lệnh của đồng tiền, nên tôi không nhận tiền của ai, và cũng không nhờ ai chuyện ra mắt sách.  Từ nhỏ cho đến nay, tôi không gia nhập một tổ chức chính trị hay đảng phái nào.  Tôi sợ mang tiếng là viết thuê theo đơn đặt hàng, hoặc viết thuê theo lệnh của người khác, hoặc theo lệnh của một tổ chức hay đảng phái nào…  Tôi một mình cặm cụi viết sách, một mình lo việc tiêu thụ sách.  Chỉ cần đủ tiền in quyển sách kế tiếp là quá tốt rồi.



Khoe với anh và bà con là tôi may mắn được gia đình hỗ trợ.  Con cái giúp đỡ về đời sống hằng ngày và nhất là vợ tôi không bắt tôi phải làm việc kiếm tiền để bà đi shopping.  Đời sống của chúng tôi rất giản dị, đạm bạc, không đua đòi, nên tôi không lo lắng nhiều về cuộc sống đời thường hằng ngày, và tôi để toàn tâm, toàn ý, toàn lực, toàn thời gian vào việc viết sách. 



Nhân đây, tôi xin phép anh Hồng Phúc và quý thính giả nghe đài, cho tôi nhân cơ hội nầy, tôi xin cảm ơn các con tôi và đặc biệt tôi xin cảm ơn vợ tôi đã hết mình ủng hộ, giúp đỡ và nâng đỡ tinh thần tôi để tôi viết sách.  Người ta thường nói 50% sự thành công của người chồng là nhờ người vợ.  Tôi không biết tôi có thành công trong việc viết sách hay không, nhưng chắc chắn là vợ tôi đã hết lòng giúp tôi trong việc viết sách và cả trong việc giao thiệp với bạn bè.  Các bạn tôi rất hiểu điều nầy.



5.  Hồng Phúc:  Bộ Việt Sử Đại Cương của anh dày hơn 3,500 trang.  Anh đã phải đầu tư mất bao nhiêu thời gian để hoàn tất bộ sách đồ sộ này?  Và lý do nào đã khiến anh biên soạn dài như vậy?



Trần Gia Phụng:  Thưa anh Hồng Phúc, thưa quý thính giả nghe đài, trước khi soạn bộ VSĐC, tôi viết những bài báo rời về những vấn đề Việt sử trong 10 năm, từ 1995 đến 2004.  Những bài như thế, tôi tập trung thành bộ sách Những câu chuyện Việt sử, gồm 4 quyển, nhằm mục đích thăm dò ý kiến độc giả, xem thử độc giả nghĩ thế nào về cách viết của mình, về những nhận định của mình, về những suy nghĩ của riêng mình, kể cả những phát hiện sử học của mình.  Sau đó, dựa vào những chuyện đã viết, vào ý kiến của độc giả, tôi mới soạn và in bộ VSĐC từ 2004 cho đến 2013, cũng trong 10 năm.



Lúc đầu, khi soạn dàn bài tổng quát cho bộ sử nầy, tôi dự tính chia thành 6 tập.  Tuy nhiên, khi viết đến tập thứ sáu, tức giai đoạn hiện đại, tôi thấy không thể viết trong một tập được, vì giai đoạn nầy quá nhiều sự kiện, nên tôi chia thành hai tập.  Vì vậy, bộ VSĐC gồm 7 tập, tổng cộng tất cả khoảng 3,500 trang.



6.  Hồng Phúc:  Thưa anh, là tác giả bộ Việt Sử Đại Cương, theo ý anh thì điều gì trong bộ sách này anh cho là tâm đắc và mới mẻ đối với anh?



Trần Gia Phụng:  Thưa anh, tôi là người đi sau, nên khi viết sử, tôi cố gắng tìm thêm những gì mới hơn, lạ hơn.  Tôi hoàn toàn không phê bình những tác giả trước tôi, vì nhờ họ mà tôi có điều kiện tìm ra cái mới.  Tôi chỉ tôi tự tìm tòi và suy nghĩ mà thôi rồi tìm chứng liệu và viết lại.  Tôi đưa ra vài ví dụ:



-        Khi giải thích hình chim trên trống đồng Lạc Việt, các tác giả xưa đều cho rằng đó là hình CHIM LẠC.  Tôi đi tìm chim lạc thì thấy rằng Việt Nam KHÔNG CÓ CHIM LẠC.  Tôi tìm trong các từ điển Việt Nam (xin nhấn mạnh từ điển Việt Nam chứ không phải từ điển Tàu), rồi tìm trong thực tế thiên nhiên Việt Nam, hoàn toàn không có vết tích con chim Lạc.  Không có chim lạc, thì làm sao chim trên trống đồng cổ Việt gọi là chim lạc?  Điều nầy có nghĩa là các tác giả xưa chỉ suy đoán mà thôi.  Người xưa suy đoán được, thì tại sao ngày nay mình không suy đoán?  Miễn sao có lý mà thôi.  Dựa trên hình chim  khắc trên trống đồng, mỏ dài, sải cánh bay rất đẹp, tôi suy đoán đó là CHIM CÒ.  Chim cò còn là loại chim thân thiết với nông dân, với ruộng lúa nước của Việt Nam.  Thưa anh Hồng Phúc, đây cũng chỉ là giả thuyết mà thôi nghe anh Hồng Phúc.  Người đọc thấy giả thuyết nào đúng, thì sẽ chấp nhận.



-        Các tác giả xưa cho rằng NGƯỜI TÀU dạy người Việt cày cấy.  Tôi nhận thấy rằng ruộng lúa gạo Việt Nam là ruộng nước.  Người Tàu phát xuất từ châu thổ Hoàng Hà, vĩ độ cao, chỉ là vùng ruộng lúa khô như lúa mì, lúa mạch, kê …nên không có lúa gạo.  Theo những nghiên cứu mới nhứt, lúa nước trên thế giới phát xuất từ Việt Nam, trung tâm chính là vùng Hòa Bình, ở khúc quanh sông Đà chạy lên sông Hồng, chứ không phải ở vùng Hoàng Hà, nơi quần cư đầu tiên của người Tàu.  Tài liệu cho thấy Khổng Tử chưa ăn cơm.  Như thế làm sao người Tàu dạy người Việt trồng lúa gạo là lúa nước?  Ngược lại, tài liệu cho thấy chính người Việt phát hiện và thuần hóa lúa gạo trồng ở ruộng nước và truyền bá lên phía bắc.  Tôi có chứng minh đầy đủ.  Thú vị lắm anh ạ.



-        Ví dụ nữa là tất cả các sách vở trước đây đều cho rằng Lê Long Đĩnh là NGỌA TRIỀU, nằm mà thiết triều, hôn quân vô đạo.  Thực tế, chính Đại Việt sử ký toàn thư viết rằng tháng 7 Lê Long Đĩnh còn cầm quân đi dẹp loạn.  Tháng 10 ông chết.  Sao gọi là ngọa triều?  Tôi tìm ra tài liệu cho thấy là Lý Công Uẩn đảo chánh Lê Long Đĩnh.  Chuyện đảo chính là chuyện thường tình trong lịch sử, nhưng nhà Lý cai trị hơn hai trăm năm, đã bôi đen Lê Long Đĩnh, mạ lỵ Lê Long Đĩnh, để biện minh cho hành động đảo chính của Lý Công Uẩn.  Vì vậy người ta mới thường nói “lịch sử thuộc về kẻ chiến thắng”. 



-        Ngày nay CSVN thường bày trò sửa lại lịch sử, bóp méo lịch sử, mà rõ nét nhứt có thể kể sơ lược:  HCM ra đi kiếm việc sinh sống chứ không có chuyện cứu nước.  Vụ Xô Viết Nghệ Tĩnh là vụ tưởng tượng của HCM chứ hoàn toàn không có chuyện thành lập xô viết nào cả.  Vụ chống Pháp năm 1946 mà CS gọi là toàn quốc kháng chiên, chẳng qua vì HCM và lãnh đạo đảng CS ở Hà Nội bị Pháp dọa bắt nên phải nổi lên chống Pháp để chạy trốn khỏi Hà Nội, và đổ gánh nặng chiến tranh lên toàn dân.  Gần hơn là vụ Mậu Thân (1968), CSVN cho làm phim bóp méo lịch sử.  Ai cũng biết rồi.  Ví dụ về chuyện CS thì còn nhiều nữa, xin qua câu hỏi khác đi anh Hồng Phúc.



7.  Hồng Phúc:  Thưa anh, trong công trình nghiên cứu sử Việt, có những vui buồn gì, xin anh vui lòng chia sẻ cho thính giả của Đài chúng tôi cùng được nghe?



Trần Gia Phụng:  Lịch sử là quá khứ của loài người.  Những câu chuyện quá khứ có đủ tính chất vui, buồn, thương, hận như tiểu thuyết, nhưng khác tiểu thuyết ở chỗ lịch sử là những chuyện có thật, trong khi tiểu thuyết là chuyện hư cấu, tưởng tượng.  Có nhiều tiểu thuyết dựa trên những chuyện có thật rồi hư cấu thêm.  Còn lịch sử hoàn toàn là sự thật không hư cấu.



Khi đọc tài liệu để viết lịch sử, người viết cũng vui buồn theo câu chuyện người xưa.  Ví dụ người Việt nào cũng hãnh diện và vui khi đọc đến đoạn nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên.  Người Việt nào cũng buồn khi nhà Minh xâm lăng Đại Việt.  Thời nhà Minh xâm lăng có một chuyện hết sức hào hùng và cũng hết sức đau buồn là chuyện Nguyễn Biểu đi sứ và bị giết. 



Nhưng thưa anh Hồng Phúc, những câu chuyên gây xúc động cho người viết, đặc biệt cho cá nhân tôi, thường là những câu chuyện lịch sử cận và hiện đại, nhất là những vụ án do CS gây ra thật thương tâm.  Ở Bắc Việt Nam thì những vụ Cải cách ruộng đất, Nhân Văn Gia Phẩm, đày đọa con người thật dã man.  Ở Nam Việt Nam, ai đọc tài liệu về Tết Mậu Thân ở Huế, mà không kinh hoàng xúc động.  Quý vị thử tưởng tượng đi.  Cộng sản trói chặt nạn nhân, rồi CS dùng dao tùng xẻo từng bộ phận cơ thể của nạn nhân.  Chắc chắn nạn nhận phải đau đớn tột cùng trước khi chết, mà không có cách nào tả nỗi.  Thật là mọi rợ. 



Rồi những vụ thảm sát kinh hoàng, những mồ chôn sống tập thể, hoặc những trận đánh ở Quảng Trị, ở An Lộc.  Thật là buồn đau cho dân Việt.  Cho đến nay, khi nói chuyện với anh Hồng Phúc, tôi cảm thấy hết sức buồn cho thế hệ chúng ta, nhiều người Việt đã chết một cách oan uổng, phi lý vì cuộc chiến do CSVN vâng lệnh Quốc tế cộng sản gây ra.



Chuyện vui buồn trong lịch sử nhiều lắm anh Hồng Phúc ơi, nếu anh trải lòng sống với những trang sử của dân tộc.  Không làm sao kể cho hết được thưa anh Hồng Phúc.



8.  Hồng Phúc:  Thưa anh, anh có nghe được tiếng vọng gì từ độc giả của mình, tán đồng hay phản bác, về những công trình tim óc của mình không?



Trần Gia Phụng:  Thưa anh Hồng Phúc, chắc chắn là có chứ, khen có, chê có.  Xin bỏ qua một bên chuyên khen ở đây.  Tôi không dám mèo khen mèo dài đuôi.  Còn người ta chê tôi thì đa số vì lập trường chính trị.  Đầu tiên là CS chê tôi.  Cộng sản mà không chê tôi thì mới là lạ.  Còn nhóm người thứ hai chê tôi, chính vì những định kiến sẵn có của họ. 



Ví dụ khi tôi trình bày chuyện Lê Long Đĩnh và Lý Công Uẩn, mà đàng sau là sư Vạn Hạnh, thầy của Lý Công Uẩn.  Tôi liền bị một số người trách rằng sao tôi lại đụng chạm đến một thiền sư Phật giáo.  Ngược lại khi tôi viết về biến cố Phật giáo năm 1963, với cái dụ số 10, thì có một ông giáo sư triết học chê tôi chưa đọc dụ số 10 mà dám phê phán chế độ ông Diệm.  Thật quá buồn cười, nên tôi liền gởi tặng ông nầy một bản photocopy tờ Công báo Việt Nam đăng dụ số 10 để cho ông biết là tôi đọc tận gốc tài liệu công báo chứ không phải đọc lại các bản sao chép. 



Tôi còn bị phản đối lẻ tẻ, như vụ tôi viết bài “Ngũ phụng bay về đâu”, nói rằng không có chuyện vua phong bảng Ngũ phụng cho 5 đại khoa Quảng Nam, mà chỉ là huyền thoại dân chúng tặng cho các vị nầy mà thôi.  Thế là có kẻ lợi dụng, khích động rằng tôi là người Quảng Nam mà tôi lại phá huyền thoại Ngũ phụng tề phi…, làm cho nhiều vị Quảng Nam cao niên bực tức.  Đến khi gặp nhau, tôi trình bày rõ ràng thì mấy cụ mới yên tâm.



Tôi còn nhận thư nặc danh đe dọa nữa.  Nhiều thân hữu khuyên tôi nên báo cho cảnh sát biết.  Tôi thấy làm như thế sẽ lớn chuyện mà chẳng ích lợi gì, nên im lặng, vì tôi nghĩ trong chế độ pháp trị hiện nay ở hải ngoại, đâu có ai dễ gì vọng động.  Tức quá dọa chơi cho vui mà thôi.  Rồi mọi chuyện cũng qua đi, chẳng có chuyện gì xảy ra



9.  Hồng Phúc:  Thưa anh, anh có những dự phóng gì cho tương lai?



Trần Gia Phụng:  Năm nay tôi đã trên 70 tuổi.  Bạn bè cho rằng trong toàn bộ các tác phẩm của tôi. bộ sử sẽ cần thiết sau nầy là bộ Việt sử đại cương, nên bạn bè khuyên tôi edit lại bộ nầy.  Tôi đã edited và tái bản VSĐC tập 1.  Tôi không biết còn kịp edit toàn bộ VSĐC hay không, nên tôi sẽ edit ba tập cuối của bộ VSĐC và sẽ in lại dưới tên mới là “Chiến tranh Việt Nam 1946-1954” và “Chiến tranh Việt Nam 1960-1975”.  Tôi cũng còn vài dự án nữa, nhưng không biết tôi còn làm kịp hay không?  Già rồi nên trí nhớ sút kém, trí thông minh lụt dần, sức làm việc giảm thấy rõ thưa anh Hồng Phúc.



10.- Hồng Phúc:  Thưa anh, đây là câu hỏi sau cùng để chấm dứt cho cuộc phỏng vấn hôm nay.  Thưa anh, một bộ sử muốn lưu tiếng ngàn thu, cần phải có những yếu tố nào?



Trần Gia Phụng:  Thưa anh Hồng Phúc, thưa quý thính giả nghe đài.  Một bộ sử có thể sống được theo thời gian là một bộ sử trình bày trung thực và khách quan các hoạt động, các sự kiện về tất cả các ngành của xã hội trong giai đoạn mà bộ sử đó trình bày.  Người viết phải khách quan, trung thực, có chứng liệu đầy đủ, viết sách với một văn phong bình tĩnh, rõ ràng, chừng mực. 



Tuy nhiên, thưa thật với anh Hồng Phúc, với quý thính giả nghe đài, con người không thể tách ra khỏi cái bóng của mình, nghĩa là không thể thoát hẳn được cái nền tảng căn bản của mình, cái background của mình.  Người viết chỉ còn cách cố gắng khách quan được chừng nào hay chừng đó, và trình bày lại lịch sử càng gần được sự thật chừng nào hay chừng đó.



Đó là ước nguyện của tôi, nhưng thực hiện được hay không là chuyện khác, khó lắm anh Hồng Phúc ạ.  Việc nầy để độc giả và thời gian trả lời.



11.  Hồng Phúc:  Thêm một chi tiết nữa anh Phụng.  Nếu có một thính giả muốn liên lạc với anh để tìm hiểu thêm một số vấn đề lịch sử, hoặc muốn hỏi mua các sách của anh, thì làm sao thưa anh Phụng?



Trần Gia Phụng:  Xin cảm ơn hảo ý của anh Hồng Phúc, xin quý vị thính giả liên lạc với tôi qua e-mail:  trangiaphung@gmail.com.



Xin cảm ơn anh Hồng Phúc đã phỏng vấn tôi và xin kính chào quý thính giả nghe đài.



TRẦN GIA PHỤNG

(Santa Ana 25-07-2016)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét